Hơn chục năm rồi mới quay lại vùng đất cao nguyên xinh đẹp này & nhận ra mọi thứ đã thay đổi khá nhiều, nhứt là đường sá đi lại đã tốt hơn hồi trước gấp bội, quán xá nhà cửa nhiều hơn… tiếc là rừng bị hẹp đi nhưng nét dễ thương, cảm tình của tôi dành cho vùng đất này vẫn cứ mãi hoài như thế! (Thiện Nguyễn)
“Phố núi cao phố núi đầy sương
(Phạm Duy)
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương“
Vùng đất Tây Nguyên luôn mang lại cảm giác xuyến xao cho mỗi người khi đặt chân đến đây. Bởi cái khí hậu se se lạnh, bởi những con đường chập chùng lên xuống, bởi những hàng cây xanh thẳng tấp, …bởi cô em nào đó “má đỏ môi hồng”… Dù với lí do nào đi chăng nữa, mảnh đất này đã để lại sự xao xuyến và nỗi nhớ nhung cho bao người, đặc biệt là những trái tim si tình.

Biển Hồ Gia Lai
Biển Hồ là tên gọi khác của Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nơi đây một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14, nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Đây là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố này.
“Thương thương quá suốt một đời thiếu nước
Nên cái ao tù cũng thành biển của em…“
Nhà thờ gỗ Kon tum
Địa chỉ: 13 Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum được làm bằng gỗ cà chít (sến đỏ) (trần và tường được xây bằng đất trộn rơm) thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc. (Theo wiki)
Nhà thờ Tân Hương – Kon Tum
Địa chỉ: 92 Nguyễn Huệ, Thống Nhất, Kon Tum, Tỉnh: Kon Tum
Nhà thờ Tân Hương – Kontum xây dựng năm 1851, tọa lạc ngay trung tâm thành phố, trong một khuôn viên khá rộng lớn, bên cạnh có Nhà sinh hoạt giáo xứ, đối diện bên kia đường có hang đá Đức Mẹ. Kiến trúc nhà thờ đơn giản nhưng đẹp với mặt tiền có hai hình Thánh Phao-lô và Tồng lãnh thiên thần Mô-ca-e chiến thắng quỷ Sa-tăng.
Cầu treo Kon Klor – Kon tum
Địa chỉ: Đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Là chiếc cầu dây văng to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla. Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m, thiết kế và khởi công xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994, có màu vàng cam thật nổi bật trong cái nắng vàng oi ả của vùng đất Tây Nguyên. (Cách đó không xa là nhà rông Kon Klor cùng tên với cầu treo). Đây là điểm thu hút khách du lịch khi đến Kontum.
Đi trên cầu Kon Klor du khách có thể thấy dòng sông Đắk Bla đang cuồn cuộn từng dòng hùng vĩ. Cầu Kon Klor đã bắt nhịp đôi bờ sông đưa mọi người đến gần nhau hơn, chiếc cầu được đưa vào sử dụng thì cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng xuồng độc mộc đã từng bao năm.
Ngày nay, cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất Tây Nguyên này. Bình yên chiều về trên cầu treo Kon Klor
Nhà rông Kon Klor – Kon tum
Địa chỉ: Đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Nhà rông Kon K’lor mới được xây dựng lại ngay trên nền nhà rông cũ tại làng Kon Klor, P. Thắng Lợi, Kon Tum vào năm 2011. Nhà rông cũ bị các thiếu niên “say sỉn” đốt cháy vào năm 2010. Nhà rông Kon Klor hiện tại có chiều dài 17m, rộng 6m và chiều cao của nóc là 22m, cao hơn nhà rông cũ 1m. Đây được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum và Tây Nguyên nói chung. Nhà rông Kon Klor được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết sắc xảo đặc trưng của dân tộc Ba Na. Đặc biệt, toàn bộ phần trụ và mặt sàn mới đều được làm bằng gỗ xoay – một loại gỗ quí hiếm. Nhà rông Kon K’lor nằm trong một khuôn viên có cổng và tường bao quanh, nhà rông nằm gần bên sông Dak b’la “nước chảy ngược dòng” và cầu treo Kon Klor
Nhà Rông là một kiểu nhà sàn đặc trưng, đây là ngôi nhà cộng đồng, dùng làm nơi tụ họp của dân làng trong các buôn làng trên Tây Nguyên Nhà rông thường dài 10 mét, rộng hơn 4 mét, cao 15 -20m được xây dựng bằng nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên như gỗ, tranh, tre, nứa, lồ ô… có dáng vẻ cao thanh thoát và đẹp.
Thị trấn Măng Đen
Địa chỉ: Thị trấn Măng Đen nằm ở phía nam huyện Kon Plông.
Nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm.
Huyện KonPlông có hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Xê đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre – chiếm trên 80% dân số địa phương này, với nhiều nét văn hóa đặc trưng như các loại nhạc cụ dân gian lâu đời như sáo dọc, trống, chiêng, cồng, tì, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước; trang phục đặc sắc của đồng bào và văn hóa kiến trúc nhà rông, nhà dài… gắn với không gian núi rừng thiên nhiên hoang dã.
Thác Pa Sỹ như dải lụa trắng xóa buông mình giữa khu rừng nguyên sinh.
Từ trung tâm TP Kon Tum, du khách có thể đi ôtô hoặc xe máy đi trên quốc lộ 24 về phía đông bắc 54 km.
Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện KonPlông – tinh Kon Tum từ lâu được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng.
Gỏi lá Kon tum
Địa chỉ: 21 Trần Cao Vân – TP Kontum
Gỏi lá Kontum đây. Lần đầu tiên ăn món này rất thú vị: lá rau rừng các loại cuốn với thịt heo, tép, da heo thính, hèm, tiêu hạt, muối hạt, ớt xanh thơm ngon 🙂
Quả thật, đến với phố núi, có lẽ bạn sẽ “mềm nhũng” bởi cái những thứ dễ khiến con người ta xao xuyến. Và cũng có lẽ không khó để đưa lời khuyên kinh nghiệm du lịch Gia lai Kon tum dành cho bạn đó là: đừng ôm chặt con tim khi đến đây. Hãy mở rộng tấm lòng và con tim mình để tận hưởng những sự đẹp đẽ nhất mà núi rừng Tây Nguyên nồng hậu mang lại.
Chỉ có thể mượn lời nhạc si tình của Phạm Duy để thay cho lời kết ngọt ngào nhất.
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuângXin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Cám ơn những tấm hình dễ thương của anh Thiện Nguyễn và đâu đó điểm vào vài hình ảnh của lữ khách bén duyên núi rừng Tây Nguyên và có duyên được đặt chân đến dăm ba lần. Mọi thứ vẫn cứ ngọt ngào theo một cách nào đấy… như bơ trộn sữa.